Đọc về kinh tế hành vi để ra quyết định tốt hơn: Phi Lý Trí – Dan Ariely

🚀 Cuốn sách trong 3 câu

  1. Chúng ta không lý trí như chúng ta tưởng, hay là như kinh tế học truyền thống mô tả. Chúng ta hành động phi lý trí nhiều hơn thế, và phi lý trí một cách có hệ thống.
  2. Việc hiểu nguyên nhân nằm sau những quyết định phi lý trí giúp chúng ta ra quyết định tốt hơn và sống cuộc sống tốt đẹp hơn, sống khác đi.
  3. Hiểu về kinh tế học hành vi cũng giúp thiết kế một xã hội nhân văn và hiệu quả hơn.

👯Cuốn sách có thể hợp với ai?

  • Người chưa có nhiều chuyên môn về kinh tế học hành vi và muốn tìm hiểu về kinh tế học hành vi.
  • Người thích tâm lý học/ xã hội học/ triết học.
  • Người muốn học cách ra quyết định tốt hơn.

🎨 Cảm nhận của mình

Sách về kinh tế học nhưng lại không hề khó hiểu và khô khan. Mình hoàn toàn bị cuốn khi đọc và thường xuyên nhìn thấy bản thân trong những ví dụ của tác giả. Sau đây là những điều mình cảm thấy nhớ nhất trong cuốn sách:

  1. Chúng ta luôn xem xét một quyết định dựa trên mối tương quan và so sánh với một phương án khác. Chúng ta không biết chúng ta muốn gì trừ khi chúng ta nhìn thấy nó trong một ngữ cảnh nào đó. Thậm chí, chúng ta không biết mình muốn làm gì với cuộc sống cho đến khi thấy người khác làm chính xác cái mà chúng ta nghĩ là mình phải làm. Ví dụ, khi mình nhìn thấy những bức tranh được vẽ rất đẹp trên Instagram, và sau đó mình muốn đi học vẽ, mà trước đó mình chưa từng có ý nghĩ đi học vẽ. Việc luôn đặt mọi thứ trong sự tương quan cũng làm chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với người khác nhiều hơn.
  2. Khi đang có cảm xúc cực điểm, chúng ta không còn là con người mà chúng ta nghĩ nữa. Cảm xúc ở đây được hiểu là các trạng thái hưng phấn (bao gồm hưng phấn tình dục), giận dữ, xúc động, kích động, buồn bã. Trong sách đưa ra một thí nghiệm để chỉ ra khi đang hưng phấn tình dục thì chúng ta sẽ có những ý nghĩ khác như thế nào. Để đưa ra quyết định đúng đắn, chúng ta cần trải nghiệm và hiểu được cảm xúc chúng ta sẽ trải qua khi đang ở trạng thái này. Nói cách khác, khi đã được tôi luyện, chúng ta sẽ kiểm soát bản thân tốt hơn.
  3. Chúng ta luôn có xu hướng đánh giá cao những gì mình sở hữu, cũng như tập trung những gì chúng ta có thể đánh mất hơn là những gì chúng ta có thể có. Càng dành nhiều công sức thì chúng ta càng cảm thấy thứ đó đáng giá cao hơn. Giống như chủ nghĩa khắc kỷ nói, chúng ta bám chấp vào những gì chúng ta sở hữu vì cảm giác mất mát gây ra đau đớn. Những nhà cung cấp dịch vụ subscription theo tháng/năm dựa vào nguyên lý này để khiến chúng ta tiếp tục sử dụng dịch vụ.
  4. Để khiến một người thèm thuồng một cái gì đó, chỉ cần làm cho việc đó trở nên khó khăn.
  5. Nếu muốn cắt giảm chi tiêu, nên dành sự chú ý đặc biệt cho lần quyết định đầu tiên, vì lần đầu tiên sẽ đóng vai trò như một “tiêu chuẩn”, ảnh hưởng lâu dài đến những quyết định sau này. Ngoài ra, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi cho những hành vi lặp đi lặp lại của mình, dù cho chúng đã từng hợp lý, liệu chúng có còn hợp lý nữa không?
  6. Cách để tránh trì hoãn là để mỗi người tự có cơ hội tự cam kết hành động của mình.
  7. Quá nhiều sự lựa chọn sẽ làm chúng ta khó ra quyết định. Điều cần làm là tự chủ động đóng lại một số cánh cửa.
  8. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự trình bày.

Mình cho rằng đây là một quyển sách rất đáng đọc. Những insights trong này làm mình liên tục suy nghĩ về bản thân và những quyết định của mình trong quá khứ, đến những lần mình quyết định tiêu tiền, hay những lời nói trong lúc nóng giận. Mình tin là ai đọc cuốn sách này cũng sẽ cảm nhận được điều này.

Chia sẻ những gì bạn đọc hoặc cuốn sách nào bạn thấy hay ở phần comment nhé!

Response to “Đọc về kinh tế hành vi để ra quyết định tốt hơn: Phi Lý Trí – Dan Ariely”

  1. Lập kỷ lục ăn 50 hotdog trong 12 phút: Tư duy như một kẻ lập dị – Steven D. Levitt & Stephen J. Dubner – Sam Dinh

    […] dòng đọc sách về kinh tế học, mình chọn cuốn sách này. Không như thường lệ khi mình luôn liệt kê ra những […]

    Like

Leave a comment

Blog at WordPress.com.