Lập kỷ lục ăn 50 hotdog trong 12 phút: Tư duy như một kẻ lập dị – Steven D. Levitt & Stephen J. Dubner

🚀 Cuốn sách trong 3 câu

  1. Tư duy như một kẻ lập dị giúp chúng ta nhìn theo những góc nhìn khác và từ đó đặt ra những câu hỏi khác.
  2. Việc đặt được câu hỏi đúng là điều quan trọng hơn cả.
  3. Nếu không biết, hãy nói không biết. Đừng võ đoán.

👯Cuốn sách có thể hợp với ai?

  • Người thích đọc về kinh tế học.
  • Người có hướng hiểu các lý thuyết qua câu chuyện.
  • Người thích tìm hiểu nguyên nhân của sự việc.

🎨 Cảm nhận của mình

Theo dòng đọc sách về kinh tế học, mình chọn cuốn sách này. Không như thường lệ khi mình luôn liệt kê ra những điều mình rút ra được từ sách, mình sẽ viết ra câu chuyện mình thích nhất.

Năm 2000, một cậu sinh viên người Nhật, Kobi, quyết định tham gia cuộc thi ăn trên truyền hình. Người thắng giải sẽ nhận được giải thưởng là 5,000 đô. Bạn gái Kobi đã bí mật đăng ký cho cậu mà không cho cậu biết. Cần phải nói là Kobi là một thanh niên cao và gầy nhỏ. Tuy nhiên cậu lại là người có dạ dày tốt và ăn rất nhiều.

Kobi cuối cùng cũng tham gia cuộc thi này dù khá là miễn cưỡng. Vốn không phải là người to con, nên cách duy nhất để Kobi thắng là sử dụng trí tuệ của cậu. Cuộc thi này gồm có 4 vòng: khoai tây luộc, hải sản, thịt cừu nướng và mì sợi. Kobi đã nghiên cứu các cuộc thi trước đó và thấy rằng các thí sinh thất bại là do ăn quá no ở các vòng trước nên đến vòng cuối họ bị kiệt sức. Điều này tuy đơn giản nhưng lại ít người nhận ra, nên Kobi đã nuốt hết chỗ mỳ sợi và chiến thắng 5,000 đô.

Không dừng lại ở đó, Kobi quyết tâm trở thành người thi ăn ở trình độ chuyên nghiệp. Anh đăng ký tham gia cuộc thi ăn của Super Bowl – Giải thi ăn bánh mỳ xúc xích tại đảo Coney, New York. Luật chơi là người chơi cần ăn nhiều bánh mỳ xúc xích nhất có thể trong vòng 12 phút. Nếu trong quá trình chơi, thí sinh nôn quá nhiều số thức ăn đã ăn, họ sẽ bị loại. Các thí sinh có thể ăn cùng gia vị, nhưng hầu hết đều không làm điều này. Ngoài ra, họ còn có thể uống nước khi cần. Tính đến thời điểm Kobi tham gia, kỷ lục của cuộc thi này là 25 và 1/8 chiếc bánh mỳ xúc xích trong 12 phút.

Kobi đã chiến thắng cuộc thi và phá vỡ kỷ lục đó. Không phải 26, 28, hay 30 cái, mà 50 chiếc bánh mỳ xúc xích. Tức là gần gấp đôi kỷ lục cũ. Anh ấy đã làm điều đó như thế nào?

Anh nhận thấy các thí sinh chỉ có một chiến thuật là ăn bánh mỳ như bình thường nhưng với tốc độ nhanh hơn, rồi uống một hớp nước để nuốt xuống. Thế nên Kobi bắt đầu xem xét các cách ăn khác xem có tốt hơn không. Anh bắt đầu làm các thử nghiệm như bẻ đôi bánh mỳ ra ăn, ăn riêng bánh mỳ và xúc xích, nhúng bánh mỳ vào nước rồi ăn, trộn dầu thực vật vào nước. Thậm chí anh còn sáng tạo một điệu nhảy để nới rộng dạ dày trước khi ăn.

Sau này có rất nhiều người luyện tập theo cách của anh và thắng anh. Có người ăn đến tận 69 cái bánh mỳ xúc xích trong vòng 10 phút (sau này thời gian đã được giảm xuống).

Điều mình rút ra được từ câu chuyện này là:

  • Thứ nhất, cách giải quyết vấn đề bằng cách đặt ra câu hỏi khác. Thay vì đặt câu hỏi Làm sao để ăn được nhiều bánh mỳ xúc xích hơn, thì Kobi đặt câu hỏi Làm sao để khiến bánh mỳ xúc xích dễ ăn hơn. Áp dụng việc này vào cuộc sống của mình, thay vì hỏi “Làm sao để học Python nhanh hơn”, mình sẽ đặt câu hỏi “Làm sao để chọn project nào để học Python hiệu quả hơn?”, từ đó mình chọn những project có ích và mình hứng thú để làm, tức là ở câu hỏi đầu mình tập trung chủ thể vào Python, trong khi ở câu hỏi 2, mình tập trung chủ thể vào project và coi Python là công cụ.
  • Thứ hai, là cách đặt giới hạn cho bản thân. Chính chúng ta là người tự đặt ra các giới hạn cho chính mình, và khi ta tin là ta chỉ ăn được 25 cái xúc xích, thì có lẽ ta chỉ ăn được 22, 23 chiếc. Như khi tập thể dục, nếu mình nghĩ rằng mình chỉ plank được trong vòng 1 phút thôi, thì đến giây thứ 30, 35 là mình đã mỏi lắm rồi. Nhưng nếu mục tiêu là 1 phút rưỡi, thì mình nhận ra là qua 1 phút rồi mà mình vẫn chỉ hơi thấm mệt.

Có lẽ, mình cũng nên thử nghiệm xem làm cách nào để ăn buffet được nhiều hơn…

Tags:

Leave a comment

Blog at WordPress.com.